Có thực doanh nghiệp bị lỗ 2% khi giảm VAT theo Nghị định 15?

Thời gian này, khi Nghị định 15 về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) được ban hành, nhiều doanh nghiệp, người nộp thuế lo lắng sẽ bị thiệt 2% nếu hàng hoá đầu ra và đầu vào không được áp dụng thống nhất mức giảm thuế?

Điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP nêu rõ:

Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Theo đó, ở tất cả các khâu gồm nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại (buôn bán hàng hoá, dịch vụ…) đều được giảm VAT 8%.

Tuy nhiên, có nhiều thắc mắc được gửi đến tổng đài 1900.6199 của LuatVietnam về việc nếu mặt hàng thuộc danh mục được giảm VAT nhưng do còn tồn hàng hoặc do chưa xuất hoá đơn (trước đó đã nhập với mức VAT là 10%), từ tháng 02/2022 sẽ xuất VAT 8% thì chênh lệch 2% giữa hàng nhập vào và xuất ra sẽ thế nào? Doanh nghiệp có bị lỗ không?

Theo Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng:

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Căn cứ quy định này, thuế giá trị gia tăng sẽ tính vào tất cả các khâu của hàng hoá nhưng chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của mỗi giai đoạn và người phải chịu số VAT này là người tiêu dùng cuối cùng.

Đồng nghĩa, đây là loại thuế được cộng vào giá bán hàng hoá, dịch vụ và do người tiêu dùng cuối cùng trả khi sử dụng sản phẩm, hàng hoá đó. Không chỉ vậy, trong kỳ tính thuế, các cơ sở kinh doanh nộp thuế còn được khấu trừ thuế, hoàn thuế.

Do đó, về bản chất, doanh nghiệp chỉ là người nộp thay thuế giá trị gia tăng cho người tiêu dùng vào ngân sách Nhà nước qua các kỳ kê khai, tính nộp thuế GTGT mà không phải là người chịu thuế. Như vậy, mặc dù đầu vào chịu thuế 10%, đầu ra thu hộ thuế 8% nhưng doanh nghiệp không hề bị lỗ như nhiều người nhầm tưởng.

Ví dụ:

Trước đây, doanh nghiệp mua hàng hoá A có giá bán trên thị trường là 1,1 triệu đồng. Mức giá 1,1 triệu đồng này sẽ bao gồm 1 triệu đồng là giá trị của hàng hoá A và 100 nghìn đồng là thuế GTGT (do trước đây hàng hoá này đang chịu mức thuế GTGT là 10%). Doanh nghiệp sẽ được khấu trừ số thuế GTGT này vào kỳ sau.

Từ 01/02 – 31/12/2022, Nếu doanh nghiệp bán hàng hoá A với mức giá là 1,2 triệu đồng thì thuế GTGT mà doanh nghiệp thu hộ từ bên mua là 96 nghìn đồng (tương đương với mức thuế suất 8%).

Như vậy, trong trường hợp này, kể cả chỉ nhìn vào mặt con số toán học thì doanh nghiệp bỏ ra 1,1 triệu đồng để mua vào hàng hóa A nhưng khi bán ra, doanh nghiệp vẫn thu về được ít nhất 1,296 triệu đồng (chưa kể phần thuế GTGT lúc mua vào sẽ được khấu trừ) – doanh nghiệp không những không bị lỗ mà thậm chí còn lãi (Lưu ý: Vì là doanh nghiệp đang kinh doanh nên giá mua vào và bán ra không thể bằng nhau được mà ít nhất phải cao hơn 20% –  phải có lãi sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong quá trình quản lý hàng hóa).

Xem cụ thể tại: luatvietnam.vn/thue-phi-le-phi/doanh-nghiep-bi-lo-khi-giam-vat-565-35344-article.html

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.

Up ↑

Tạo trang giống vầy với WordPress.com
Tham gia